ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CHỢ ĐÀNG
Chợ Đàng (có người gọi là chợ Đàn) nay tọa lạc ở Quế Châu, Quế Sơn, là trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa nông phẩm thiết yếu của gần 30 nghìn người dân thuộc các xã vùng trung Quế Sơn (Quế Châu, Quế Thuận, Quế Hiệp, Phú Thọ) và một phần các xã Bình Định, Bình Trị (Thăng Bình).
Trước năm 1945, chợ Đàng còn có tên gọi khác là chợ chồm hổm(1), vì lúc này cơ sở của chợ còn hết sức thô sơ, sạp nào đàng hoàng nhất cũng chỉ là vài tấm tranh lá mía che nắng che mưa. Mọi hoạt động của chợ đều diễn ra ngoài trời và ở dưới đất nên phần lớn người mua, kẻ bán phải đứng lom khom hoặc ngồi chồm hổm. Theo ông Phan Hưng - người đã từng gắn bó với chợ Đàng hơn 80 năm nay, thời chợ Đàng còn “chồm hổm”, đơn giản vì thời kỳ này việc trao đổi mua bán chưa tấp nập, tham gia họp chợ chưa có những “con buôn” lớn mà toàn là nông dân, nên chợ chỉ đông lúc rạng sáng để người dân còn về lo việc nông tang. Do chợ đông trong chớp nhoáng nên người đi chợ chỉ ngồi chồm hổm mua bán chứ khỏi cần ghế, sạp, gian hàng gì cả...
Trước những năm 1990, trên giấy tờ ghi chép có gắn với tên gọi này, người ta thường dùng chữ “Đàn” hơn là “Đàng”, như: Vụ thảm sát chợ Đàn, trạm thu thuế chợ Đàn, cửa hàng mua bán chợ Đàn... Dân làng sống gần chợ cho hay ghi chữ “Đàn” cho gọn nhẹ! Tò mò với những câu trả lời đầy tính hài hước, tôi tiếp tục tìm hiểu và thấy nảy sinh nhiều nguyên nhân liên quan đến việc đặt tên chợ. Cách lý giải thứ nhất, cũng có thể gọi là "chợ Đàn", biết đâu trước kia ở chợ này thường hay bán đàn cò(?) để phục vụ cho những gánh hát Đức Giáo ở làng Khánh Đức (một làng quê có nhiều người sống bằng nghề hát bội (Đức Giáo vô địa lập chùy, dĩ xướng ca vi nghệ: Đức Giáo không có đất cắm dùi, chỉ lấy nghề xướng ca để sinh sống). Nhưng cất công tìm hiểu về nghề làm đàn ở đây, chẳng thấy một dấu tích nào của một làng nghề này cả. Vả lại, ngày nay chẳng thấy sạp nào trong chợ bán nhạc cụ, chứ đừng nói gì đến bán đàn. Cách giải thích này nghe mơ hồ. Theo cách thứ hai, gọi là "chợ Đàng" chỉ hiểu đơn giản là cái chợ nằm ở sát đường (đường 611 ĐT ngày nay), dân địa phương gọi “đường” hay “đàng” đều như nhau cả. Chợ được lập trên thửa đất hẹp nên những buổi chợ đông, đặc biệt là ngày rằm, dịp lễ tết, các hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra ngay cả trên lòng đường, gây ùn tắc giao thông cả đoạn dài. Cách gọi tên này có vẻ thực tế và được nhiều người chấp nhận. Thực ra, mảnh đất chợ Đàng tọa lạc hiện nay là của cụ Thượng (tiến sĩ Phan Quang) đã hiến tặng cho chính quyền để thành lập chợ vào cuối thế kỷ XIX. Sang những năm đầu thế kỷ XX, chợ Đàng bắt đầu phát triển. Những con buôn ở Hội An và các nơi khác đã tề tựu về đây tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi. Trong số này có ông Vương Huệ Vận (người Hoa) ở Phước Kiến (Hội An) lên chợ Đàng lập hàng quán bán thuốc Bắc. Dân gian bây giờ vẫn còn lại những câu thơ về hoạt động mua bán của ông:
“Khách mua Gia Lộc (2) rằng cho chỉn (vợ)
Ông chủ Si-noa (Chinois) đếm dạt, nồ (một, hai)...”
Sự việc chưa ngã ngũ trong cách nghĩ và cách viết của nhiều người thì cuối năm 2004, chợ đã được UBND xã Quế Châu đầu tư xây dựng khang trang, có cổng ngõ đàng hoàng, trên cổng gắn biển to đùng: “chợ Đàng”.
Trở lại vấn đề tên gọi, chúng tôi được biết một số chứng cứ lịch sử mang tính chính xác, logic hơn: Sự xuất hiện chợ Đàng gắn liền với một sự kiện mà các sĩ tử Quảng Nam đã làm nức lòng thiên hạ với vinh hiệu do vua Thành Thái ban tặng: “Ngũ phụng tề phi” - Khoa thi Đình năm Mậu Tuất 1898. Năm 1898, sau khi Phan Quang cùng bốn ông nghè khác của Quảng Nam đỗ đại khoa (hai tiến sĩ và hai phó bảng: Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Ngô Truân và Dương Hiển Tiến), vua Thành Thái đã ban cho áo mũ, xiêm ủng và cờ biển vinh quy. Nhân dân và chính quyền huyện Quế Sơn đã ra đến tận đèo Hải Vân để rước ông tiến sĩ về làng. Lúc này, ngoài những tiệc tùng, vui chơi, ăn mừng do chính quyền tổ chức, tộc Phan cùng với bà con trong vùng đã rước các gánh hát bội nổi tiếng ở địa phương (theo lời kể của ông Phan Hưng, cháu của Phan Quang, lúc đó là hai gánh hát Khánh Đức và Nghi Sơn) về hát hai tuần để chiêu đãi bà con xa gần.
Việc tổ chức hát xướng tại sân vườn nhà thờ tộc Phan, cách chợ Đàng chừng 100m. Do lần đầu tiên trong huyện có một người đỗ tiến sĩ nên bà con kéo đến thăm chơi, chúc mừng và coi hát bộ rất đông. Có những người ở rất xa cũng đến và tá túc mấy ngày mới về. Để phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt của số đông người tề tựu về vui chơi gia đình tiến sĩ Phan Quang dành một mảnh đất bên đường để bà con làm chỗ nghỉ tạm. Tại đây đã hình thành các hoạt động mua bán, chủ yếu là đồ ăn, nước uống, dùng sinh hoạt... và chợ Đàng bắt đầu hình thành và hưng thịnh từ đó.
Do thời gian và chiến tranh tàn phá, năm 1957, chính quyền sở tại cho sửa chữa lại ngôi chợ để phục vụ việc mua bán của nhân dân. Lúc này chợ được xây cổng ngõ khá đàng hoàng. Trên cổng chợ có ghi câu đối:
“Hưng kinh tế, Đàng xưa chung một hướng;
Dựng thương trường, chợ mới họp ngàn phương”
Theo tài liệu gần đây, chữ "Đàng" được sử dụng nhiều hơn "Đàn". Nhưng vẫn còn đâu đó nhiều người chưa biết về lịch sử hình thành ngôi chợ. Bài viết đơn giản nhằm khơi mở cách nhìn về một địa danh đã từng gắn bó với lịch sử này.
_______
(1) Theo sách: Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn 1930-1945, Nxb Đà Nẵng, 1985, tr 9.
(2) Gia Lộc là một làng của xã Quế Hiệp ngày nay.
Nguồn: Tham khảo